Nhiều người có thói quen uống cà phê sau khi nhậu với chiến hữu. Có nên duy trì thói quen đó không?
Đó không phải là lựa chọn thông minh, tiến sĩ Robert Swift – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu về chất cồn và chứng nghiện chất cồn thuộc Trường đại học Brown (Mỹ) cho biết. Caffein có thể đánh lừa não bộ, khiến bạn nghĩ rằng mình không say xỉn (so với thực tế), theo tiến sĩ Robert.
Khi chúng ta bắt đầu nhậu, chất cồn phát tín hiệu cho não bộ bơm nhiều dopamine, một chất truyền dẫn thần kinh, được coi là hormone kích thích niềm vui, theo Men’s Health.
Tiếp đó, dopamine kích hoạt sản sinh một hóa chất có tên AMP, khiến não bộ hoạt động nhiều hơn. Và từ đó, bạn cảm thấy hưng phấn và nói nhiều, cảm thấy tràn đầy sinh lực.
Một khi bạn dừng uống, các chất an thần trong bia rượu bắt đầu lan tỏa. Chất cồn tạo ra sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh khác, bắt đầu làm chậm các quá trình của não bộ. Bạn bắt đầu thấy mệt, lơ mơ, phản ứng chậm chạp, theo tiến sĩ Robert Swift.
Khi bạn uống cà phê vào, chất caffein sẽ chặn các enzyme đặc biệt đóng vai trò kiểm soát AMP. Điều đó làm tăng hưng phấn trở lại và giảm các tác dụng an thần của chất cồn.
Do vậy, cho dù chất cồn khiến não bạn phản ứng chậm nhưng khi uống cà phê vào, bạn sẽ thấy “hừng” trở lại và cảm giác như mình chưa say. Việc này có thể khiến bạn muốn cụng ly tiếp tục và thậm chí tự lái xe về nhà.
Caffein không làm giảm lượng cồn trong máu, và thực tế là bạn vẫn say xỉn, theo tiến sĩ Robert.Nửa đêm khi đang ngủ, chất cồn sẽ “đánh thức” năng lượng não bộ, khiến bạn thức giấc. Trong khi đó, caffein sẽ làm bạn rất khó ngủ lại. Chất cồn và caffein cùng “đồng tâm hiệp lực” chống lại giấc ngủ của bạn theo cách như vậy. Kết quả là sáng hôm sau, bạn sẽ rất uể oải khi thức dậy.Giải pháp đặt ra là bạn không nên uống cà phê sau khi nhậu, hoặc bạn có thể dùng cà phê decaf (không caffein), nếu đó là thói quen khó bỏ.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng nên uống nhiều nước sau những trận nhậu say để bù lại lượng nước đã mất do chất cồn.
Theo Thanh Niên